Bối cảnh, nội dung và bố cục Võ_hiệp

Những tiểu thuyết võ hiệp hiện đại phần lớn lấy bối cảnh Trung Quốc cổ hay cận đại. Bối cảnh lịch sử có thể trong phạm vi từ rất cụ thể và quan trong với truyện, cho tới được giới thiệu sơ lược, sai lệch hoặc chỉ làm nền cho hành động. Những yếu tố kỳ bí trong phạm vi từ những võ công cao cường đến ma quỷ và quái vật, là những yếu tố phổ biến trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng không phải là quan trọng nhất. Võ công mới là yếu tố tiên quyết khi những nhân vật phải biết vài loại võ công. Chuyện tình cảm cũng được khắc họa mạnh mẽ trong vài tiểu thuyết võ hiệp.

Một truyện võ hiệp điển hình khắc họa một nam chính trải qua một bi kịch như gia đình bị sát hại, lên đường trải qua nhiều thử thách và gian khổ để học nhiều loại võ công từ nhiều cao thủ. Vào cuối truyện, nhân vật chính trở thành cao thủ với võ công ít ai sánh bằng. Anh ta sử dụng võ công để hành hiệp và làm trong sạch giang hồ. Ví dụ như những chương mở đầu của nhiều tác phẩm của Kim Dung đi theo mô tuýp này: một bi kịch xảy ra, thường làm chết rất nhiều nhân vật vừa giới thiệu và tạo ra những sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến cốt truyện.Có những truyện sử dụng cấu trúc khác. Ví dụ như nhân vật chính bị từ chối cho gia nhập một môn phái. Anh ta trải qua gian khổ và bí mật tập luyện, chờ tới khi có cơ hội để chứng tỏ bản thân và gây ngạc nhiên cho những người đã từng coi thường mình. Vài truyện mô tả một anh hùng đã thành danh đối đầu với một nhân vật phản diện là một địch thủ ngang ngửa mình. Nội dung sẽ dần dẫn dắt tới một trận tử chiến giữa 2 nhân vật. Loại truyện này rất phổ biến trong thời kỳ có những phong trào phản Thanh.

Những truyện khác có bối cảnh độc đáo như trong những tác phẩm của Cổ LongHuỳnh Dị. Những tác phẩm của Cổ Long thường pha trộn những yếu tố bí ẩn và thường được viết như truyện trinh thám. Nhân vật chính thường là một cao thủ tài ba và phá án tài tình có nhiệm vụ giải mã những vụ án bí ẩn. Những tác phẩm của Huỳnh Dị thường pha trộn những yếu tố khoa học viễn tưởng.

Mặc dù có những yếu tố pha trộn này, võ hiệp là một loại tiểu thuyết mang tính lịch sử. Tuy nhiên nhiều tác giả đã thẳng thắn thừa nhận họ không thể mang hết lịch sử vào trong tiểu thuyết mà thay vào đó, họ chọn cốt truyện liên quan đến những sự việc trong quá trình phát triển của nhân vật chính từ lúc còn nhỏ cho tới trưởng thành.

Quy tắc hành hiệp

8 tính cách phổ biến của hiệp khách là vị tha, công bằng, tự lập, trung thành, dũng cảm, đáng tin, không màng tiền bạc và danh lợi. Ngoại trừ tự lập, những tính cách này tương tự với những giá trị Khổng giáo như nhân, dũng và nghĩa. Quy tắc hành hiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đền ơn ân nhân cũng như trả thù những kẻ xấu. Tuy nhiên việc trả thù cũng gây tranh cãi khi nhiều tác phẩm võ hiệp chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, trong đó có lòng vị tha, thương người cũng như không sát sinh. Trong giang hồ, hiệp khách cũng phải trung thành với sư phụ. Nếu có mâu thuẫn giữa các hiệp khách, họ phải giải quyết bằng những trận đấu tay đôi.

Võ công

Võ thuật trong tiểu thuyết võ hiệp dựa theo những môn võ ngoài đời thực của Trung Quốc. Tuy nhiên trong tiểu thuyết những môn võ này được phóng đại lên mức siêu phàm.Sau đây là những võ công của một hiệp khách điển hình:

  • Võ thuật: những kỹ thuật chiến đấu được kết hợp lại thành chiêu thức, dựa trên những môn võ Trung Quốc ngoài đời thực.
  • Vũ khí: Nhiều loại vũ khí được sử dụng trong chiến đấu. Những loại phổ biến nhất là đao, kiếm, côn và thương. Những vật dụng thường ngày như bàn tính, quạt, bút, tẩu, châm hoặc nhiều nhạc cụ khác nhau cũng được sử dụng làm vũ khí.
  • Khinh công: một loại võ Trung Quốc ngoài đời thực. Tuy nhiên trong tiểu thuyết và phim ảnh võ hiệp, nó được phóng đại tới mức những nhân vật có thể điều khiển được trọng lực để bay hay di chuyển một khoảng dài chỉ bằng một bước chân, lướt trên mặt nước hay leo lên tường cao, phóng lên ngọn cây.
  • Nội lực/ nội công: khả năng tạo ra và nuôi dưỡng năng lượng bên trong gọi là khí, và sử dụng nó để tấn công hay phòng thủ. Những nhân vật sử dụng nguồn năng lượng này để đạt được sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng, sức bền và khả năng hồi phục siêu phàm.
  • Điểm huyệt: các nhân vật sử dụng những kỹ thuật điểm huyệt khác nhau để giết, gây tê liệt, làm bất động hoặc điều khiển đối phương bằng cách tác động lên huyệt đạo của đối phương bằng tay hoặc vũ khí. Những kỹ thuật này có thể dùng để chữa thương như cầm máu. Những võ sư ngoài đời thực sử dụng những kỹ thuật này để làm tê liệt đối phương, tuy nhiên tác động của chúng đã được phóng đại trong tiểu thuyết.

Trong tiểu thuyết võ hiệp, những nhân vật đạt được những kỹ năng trên qua những năm tháng học và tập luyện chăm chỉ, nhưng cũng có thể có được nhờ được sư phụ truyền nội công cho. Những hướng dẫn để có được những kỹ năng này được ghi chép trong những tài liệu gọi là bí kíp. Trong vài truyện, những võ công đặc biệt có thể được học bằng cách trải qua nhiều năm sống ẩn dật với sư phụ hoặc luyện tập với một nhóm võ sĩ khác.

Giang hồ

Giang hồ chỉ một cộng đồng của những võ sĩ. "Võ lâm" là một từ phổ biến khác để chỉ cộng đồng này. Giang hồ được tạo thành từ nhiều võ sĩ thường phân chia theo môn phái, tộc hay bang. Nó cũng chứa đựng những du hiệp, quý tộc, cường đạo, hành khất, tu sĩ, y sĩ, thương nhân và nghệ nhân.

Một khía cạnh phổ biến của giang hồ là không có luật pháp, toàn bộ mâu thuẫn và tranh cãi chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực theo quy tắc hành hiệp và tinh thần thượng võ. Luật lệ giang hồ được duy trì bởi những môn phái và anh hùng chính nghĩa. Đôi khi những môn phái này liên minh với nhau để chống lại những tà giáo trong giang hồ.

Một người lãnh đạo, gọi là võ lâm minh chủ, được bầu ra từ các môn phái để lãnh đạo và đảm bảo luật lệ giang hồ. Người lãnh đạo thường có võ công cao cường và nổi tiếng chính nghĩa, thường vướng vào nhiều âm mưu và/hoặc bị giết. Trong nhiều trường hợp, người lãnh đạo có thể không cần là cao thủ mạnh nhất trong khi trong nhiều tác phẩm khác, địa vị lãnh đạo là cha truyền con nối. Người lãnh đạo cũng là người phân xử có nhiệm vụ chủ trì và phân xử những bất công và tranh chấp. Họ là chủ tọa giải quyết những vụ việc trong giang hồ.

Từ "giang hồ" cũng được sử dụng theo những nghĩa khác với trong tiểu thuyết. Nó còn có nghĩa ám chỉ những xã hội vô chính phủ. Ví dụ như Hội Tam Hoàng và những hội kín khác của Trung Quốc sử dụng từ này để mô tả thế giới tội phạm có tổ chức của họ. Đôi khi nó được thay bằng từ "thế giới ngầm". Trong thuật ngữ hiện đại, "rời khỏi giang hồ" là tiếng lóng của "về hưu".

Trong tiểu thuyết võ hiệp, nếu một võ sĩ muốn rời khỏi giang hồ, anh ta sẽ thực hiện một nghi lễ gọi là "rửa tay gác kiếm". Anh ta sẽ rửa tay trong một chậu nước bằng vàng, ám chỉ là sẽ không can dự vào những chuyện trên giang hồ nữa. Khi một võ sĩ ẩn dật tái xuất, sự trở lại của anh ta gọi là "tái nhập giang hồ".